Thực phẩm bẩn khiến 2,2 triệu người chết mỗi năm
Thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn ở khâu bảo quản, chế biến không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Phát biểu tại hội thảo “Vệ sinh an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng” hôm 18/6, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng An toàn Thực phẩm TP HCM cho biết, thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra các căn bệnh lây truyền qua thực phẩm trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều vụ thực phẩm bẩn, chứa chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã bị phát hiện.
Chẳng hạn một công ty của Đài Loan ở Bình Dương đã sử dụng chất dẻo cấm là Di và DEHA trong thạch rau câu hương khoai môn New Choice. Ngoài ra còn phát hiện siro, nước mãng cầu ép chứa chất cấm DEHP, thịt gà tươi được nhộm vàng bằng Diamino azobezene hydrocloride, nước giải khát và hạt trân châu chứa khuẩn Coliforms, E.Coli và vi sinh vật hiếu khí… Toàn bộ sản phẩm nhiễm DEHP vượt ngưỡng và hàng tấn si rô, nước ép quả, trà sữa có chất cấm đã bị thu hồi và buộc tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu xảy ra khoảng 40 triệu vụ ngộ độc. Một nửa số ca tử vong trên thế giới có liên quan tới lương thực, thực phẩm. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 50%. Đến nay, thực phẩm bẩn không chỉ là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ mà là vấn nạn của toàn thế giới, vừa gây tổn hại về sức khỏe vừa tổn thất nghiêm trọng về kinh tế.
Ở các nước đang phát triển, ước tính mỗi năm có 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra, trong đó tiêu chảy do thực phẩm và nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng năm cho khoảng 2,2 triệu người trong đó hầu hết là trẻ em.
Điển hình tháng 6/2008, Trung Quốc rúng động khi phát hiện chất melamine trong sữa khiến 6 trẻ sơ sinh tử vong, 51.900 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp vấn đề về thận, có nguy cơ bị sỏi thận. Năm 2005, phát hiện E.Coli O157 kháng thể 1026 trong phô mai nguồn gốc từ Pháp khiến 69 người nhập viện, trong đó 57 trẻ em. Đây cũng là năm bùng phát khuẩn Samonella Typhimurium trong nước cam ở Mỹ, có 152 ca bị nhiễm, trong đó 46 là nữ.
Năm 2006, ở Châu Âu phát hiện tồn dư dioxin trong sản phẩm thịt gia súc do 1.500 trang trại sử dụng cỏ khô bị nhiễm dioxin làm thức ăn súc ăn. Năm 2006 dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện ở 44 nước ở Châu Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông. Cuối năm 2008 phát hiện thịt lợn nhiễm dioxin ở Ireland, lượng dioxin trong thức ăn cho lợn cao hơn từ 80 đến 200 lần mức an toàn cho phép. Sau đó Ireland đã phải tiêu hủy hơn 100.000 con heo nghi ngờ nhiễm chất này.
Sau các vụ bê bối thực phẩm, Đức phải chi một triệu USD, Pháp chi 6 tỷ France để ngăn chặn bệnh trên súc vật và trên người. Toàn EU chi một tỷ USD cho việc áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh lở mồm long móng, riêng chi phí tiêu hủy và cấm nhập gia súc bệnh là 500 triệu USD. Mỹ phải chi 3,8 tỷ USD phòng chống cúm gia cầm. Pháp thiệt hại 48 triệu USD một tháng do 40 nước đã từ chối không nhập khẩu sản phẩm thịt gà, Đức thiệt 140 triệu Euro…
Bà Huỳnh Mai nhận định tình hình an toàn thực phẩm tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch, bệnh qua thực phẩm rất lớn. Riêng đặc thù TP HCM là nơi tiêu thụ thực phẩm, việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm chủ yếu do tỉnh, thành cung cấp thực phẩm chịu trách nhiệm, nên việc đảm bảo chất lượng thực phẩm “từ gốc đến ngọn” là một thách thức lớn cho thành phố.
Riêng tại Việt Nam, an toàn thực phẩm vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.
Nhằm nâng cao ý thức và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng lời kêu gọi của Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng vào ngày 15/3 với chủ đề “Dinh dưỡng lành mạnh”.
Mục đích của chương trình nhằm kêu gọi cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm, nói không với thực phẩm ô nhiễm. Bên cạnh đó là nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra phát hiện, xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với sức khỏe người tiêu dùng; nâng cao nhận thức của nhân dân để mỗi cá nhân trở thành “người tiêu dùng thông thái” trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, sử dụng thực phẩm hợp lý và lành mạnh.