Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền và Đoàn Thanh tra liên ngành kiểm tra công tác ATVSTP tại chợ Hà Đông. Ảnh: Trần Nga |
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Trần Ngọc Tụ – Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hà Nội khẳng định, đây cũng là nỗi lo thường trực của nhà quản lý y tế TP.
Thưa ông, trong Tháng hành động vì ATTP 2015, các cơ quan liên ngành đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, ông có những đánh giá thế nào về tình hình ATTP tại Hà Nội?
– Trong thời gian qua, để nâng cao công tác đảm bảo ATTP, TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các cấp phối hợp với các đoàn thể ban hành nhiều văn bản quản lý, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2015, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu TP thành lập 6 đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu dùng thực phẩm rau và thịt. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, các đoàn thanh tra đã thanh, kiểm tra công tác triển khai ATTP của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác đảm bảo ATTP tại địa phương. Hầu hết các quận, huyện, thị xã đều triển khai kế hoạch Tháng hành động theo chỉ đạo. Các cấp địa phương đã tăng cường công tác thông tin truyền thông và đẩy mạnh thanh tra theo chủ đề của Tháng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhìn chung, qua kiểm tra, đa số các sản phẩm có công bố chất lượng, bao gói nhãn mác đúng quy định, có nguồn gốc rõ ràng. Song vẫn còn một số cơ sở vi phạm các quy định về điều kiện cơ sở, điều kiện vệ sinh trang thiết bị dụng cụ chế biến thực phẩm và vi phạm vệ sinh cá nhân người chế biến. Một số rất nhỏ các cơ sở được kiểm tra vẫn còn tồn tại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bếp ăn tập thể tại trường học hay các KCN cũng là một trọng tâm kiểm tra trong Tháng hành động, thưa ông?
– Hiện nay, việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn giữa ca tại các cơ quan, đơn vị, các DN và các cơ sở giáo dục là phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Để đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể trên địa bàn TP, đặc biệt tại các trường học, hàng năm, Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch liên ngành Y tế – Giáo dục về đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong trường. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATTP, xây dựng mô hình điểm về ATTP tại bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra do sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các quy định ATTP trong chế biến.
Sau 2 vụ ngộ độc trong bếp ăn tập thể tại KCN Chương Mỹ và Quang Minh, ngành y tế đã có những biện pháp nào để tăng cường đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể?
– Sau 2 vụ ngộ độc vừa qua, Chi cục ATVSTP và Sở Y tế đã phối hợp các với sở, ban, ngành có văn bản hướng dẫn những nội dung trọng tâm để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn tập thể. Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã kiểm tra 100% trường học có bếp ăn bán trú. Chi cục ATVSTP phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trong bếp ăn tập thể; công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP. Đối với bếp ăn tập thể tại các KCN, Sở Y tế đã chỉ đạo Ban quản lý các KCN thường xuyên kiểm tra hoạt động ATTP tại các bếp ăn tập thể, tuyệt đối không để bếp ăn tập thể không đủ điều kiện ATTP hoạt động. Đồng thời, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục đã tổ chức rút kinh nghiệm cho toàn mạng lưới về xử lý ngộ độc thực phẩm, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về quy trình phối hợp điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm cho Ban quản lý các KCN trên địa bàn.
Bên cạnh bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố hiện nay đa phần chưa đảm bảo ATTP. Đề án về thức ăn đường phố có hỗ trợ gì cho việc chấn chỉnh tình trạng mất VSATTP này?
– Hiện nay, kinh doanh thức ăn đường phố đang gia tăng và thực sự trở thành hệ thống cung cấp thực phẩm cho cộng đồng dân cư. Thức ăn đường phố được ưa chuộng bởi giá cả phù hợp, hình thức đa dạng, phục vụ nhanh chóng và thuận tiện. Nhưng bên cạnh đó, thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và văn minh đô thị. Đa phần các quán ăn vỉa hè hiện nay, đặc biệt tại các cổng bệnh viện, trường học còn hạn chế về trang thiết bị, dụng cụ chế biến, VSMT. Hơn nữa, người chế biến chưa được tập huấn kiến thức về đảm bảo ATTP. Chính vì vậy, ngay từ năm 2012, UBND TP, Sở Y tế đã triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố tới 100% các xã, phường, thị trấn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc trang bị kiến thức thực hành về ATTP cho người quản lý, kinh doanh và người tiêu dùng theo 10 tiêu chuẩn vệ sinh đối với thức ăn đường phố mà Bộ Y tế quy định. Cụ thể, thời gian qua, Sở Y tế đã xây dựng mô hình thí điểm thức ăn đường phố tại phường Trung Liệt và tuyến phố Núi Trúc, bước đầu đạt kết quả cao. Các tiêu chí ATTP thức ăn đường phố từng bước được cải thiện, gắn với việc thực hiện đề án “Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015” và xây dựng tuyến phố văn minh, hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị”.
Xin cảm ơn ông!